Có những hình ảnh vô cùng giản dị trong cuộc sống này nhưng làm tôi nhớ mãi như một nỗi buồn mơ hồ khôn nguôi, như một sự xúc động không bao giờ biến mất, như một nỗi ám ảnh mãi mãi... Một trong những hình ảnh ấy là ô cửa những con tàu thời chiến tranh....
Những con tàu ấy thường đi qua cánh đồng vào buổi chiều. Đó là lúc hoàng hôn đang phủ xuống những vòm cây, những mái nhà và những con đường. Khoảng thời gian ấy thường dâng lên trong lòng người một điều gì đó vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa thổn thức vừa ám ảnh, vừa bất động vừa như muốn oà vỡ... Những lúc đó, tôi, thường đứng trên cánh đồng nhìn về phía con tàu. Và ở những ô cửa con tàu hiện lên những gương mặt người lính. Những gương mặt quá trẻ. Những gương mặt ấy chật cả ô cửa con tàu.
Ngày ấy, tôi chỉ biết những con tàu kia chở chật những người lính đi vào cuộc chiến tranh. Và ngày ấy, chiến tranh với tôi thật mơ hồ và chẳng có gì rành mạch. Tôi chỉ biết như một sự vô tình, những con tàu đi trong hoàng hôn về một nơi mà sau này tôi mới hiểu ra. Đó là một nơi mà máu đã đổ xuống không ngừng cho một nền hoà bình.
Nhưng thật lạ kỳ, những gương mặt người lính trẻ trung như mới bước qua tuổi thơ làm cho những ô cửa con tàu sáng bừng lên bởi những nụ cười. Tôi không biết ngày ấy khi bước chân lên con tàu đi về mặt trận, những người lính ấy có một lần nghĩ đến cái chết, có một lần nghĩ đến họ có thể không bao giờ trở về nữa không. Và cả khi con tàu chìm vào bóng tối trên cánh đồng chạy dọc con đường ra mặt trận, tôi vẫn thấy những ô cửa đó toả sáng. Những gương mặt trai trẻ ấy lấp lánh như những ngọn ngọn đèn trong những tháng năm chết chóc nhưng tâm hồn con người trong sáng lạ kỳ. Chính tâm hồn ấy đã thắp sáng những gương mặt đi qua máu chảy....
Có những đêm mùa hạ, lũ trẻ chúng tôi thường ra đê nằm hóng gió và ngủ lại cho tới gần sáng. Trong bóng tối mênh mông và đâu đó dội về những tiếng rền rĩ xa xôi. Có thể đó là tiếng sấm mưa của những đêm mùa hạ, có thể là tiếng bom. Nhưng vượt lên tất cả những âm thanh ấy là tiếng con tàu đi trong đêm. Hình như ngày nào tôi cũng thấy những con tàu chờ đầy những chàng trai, cô gái đi vào mặt trận. Những con tàu cứ đi, đi mãi như không bao giờ kết thúc. Trong những năm tháng ấy, mẹ tôi thường ngồi trên hiên nhà tới tận khuya và tôi thường nghe mẹ thốt lên: "Cứ thế này thì chở hết chúng nó đi chứ còn đứa nào nữa".
Quả thực, trong những năm tháng đó, người ta có lúc mang cảm giác làng, phố rỗng hết những người trẻ. Những con tàu ra đi và những tờ báo tử bay về. Vào những năm của thế kỷ trước, lúc đó tôi còn nhỏ quá. Bởi thế mà những tờ giấy báo tử chưa cứa đau vào trái tim chúng tôi.
Nhưng những buổi tiễn đưa trai làng ra mặt trận lại thường mang cho chúng tôi một niềm vui. Bởi trong những buổi tiễn đưa đó, bọn trẻ con chúng tôi được xem biểu diễn văn nghệ. Đội văn nghệ của làng hát những bài hát về đất nước và về chiến tranh. Rồi chúng tôi sẽ được ăn bánh kẹo. Đó là những dịp chúng tôi được ngậm mãi trong miệng những viên kẹo bi cứng như một viên sỏi. Chính vì thế mà nhiều lúc tôi lại sốt ruột hỏi mẹ xem bao giờ có người đi vào mặt trận để được ăn kẹo.
Sau này lớn lên, chúng tôi mới đau đớn nhận ra chúng tôi là những đứa trẻ vô tâm và đầy tội lỗi cho dù chẳng ai trách móc chúng tôi. Chúng tôi đâu biết rằng: được ăn thêm một viên kẹo bi thì có thể thêm một người con trai hay một người con gái của làng tôi ngã xuống vì trúng đạn. Sự thật là như thế. Sau này, cứ mỗi khi làng mang về một bộ hài cốt của một người lính đã hy sinh trong chiến tranh là tôi lại thấy những viên kẹo bi hiện về. Những viên kẹo bi nhuộm màu đỏ ối.
Sau năm 1975, người làng tôi đang làm đồng thường ngưng tay khi thấy những con tàu từ phía Nam trở về. Và trong những ô cửa con tàu lại hiện lên những gương mặt người lính. Nhưng những ô cửa đã vơi đi nhiều gương mặt và có những ô cửa trống rỗng. Ở đó chỉ là một khoảng tối sâu hút mà không có gì có thể lấp đầy được.
Biết bao người lính không bao giờ trở về. Mẹ tôi vẫn ngồi bên hiên nhà trong những đêm tối nhiều gió. Bà nói có những con tàu đã bay lên trời mang theo những chàng trai, cô gái bằng tuổi mấy đứa con lớn của bà. Và đêm nào bà cũng thức giấc bởi tiếng còi tàu chạy trên đường ray qua cánh đồng vọng về.
Những ngày ấy, ở ga Tía, thuộc huyện Thường Tín của Hà Nội mở rộng bây giờ, người ta thường thấy một người đàn bà mắc bệnh tâm thần. Ngày ngày bà lang thang trên sân ga. Cứ mỗi khi có một chuyến tàu dừng lại, bà lại hỏi những hành khách xem có ai thấy thằng Đức con bà đâu không? Đấy là một người lính đã xa mẹ mình năm 18 tuổi đi vào mặt trận. Ngày con đi, bà đã vay gạo để nấu một nồi cơm thật to cho con ăn vì từ lúc sinh ra cho đến lúc đó, con trai bà chưa một lần được ăn cơm thoả thích. Không biết tất cả những người lính lên đường đi vào mặt trận và đã trúng đạn có đều được ăn một bữa cơm thoả thích như con bà không?
Đứa con tên Đức của bà mẹ không bao giờ trở về. Bà mắc bệnh tâm thần không nhớ được gì mà chỉ nhớ duy nhất một điều. Đó là ngày đứa con bé bỏng của bà bước lên tàu đi vào mặt trận và không bao giờ trở về nữa. Có hàng trăm ngàn bà mẹ sau 35 năm chiến tranh kết thúc vẫn giật mình khi nghe tiếng còi tàu chạy qua cánh đồng làng mình. Và những bà mẹ ấy vẫn mơ một ngày đứa con bé bỏng của mình bước xuống tàu đi qua cánh đồng trở về nhà mình trong buổi hoàng hôn.
Có những người làng tôi đã nhìn thấy một người lính báo tử từ lâu bỗng trở về. Anh khoác ba lô đi trên con đường mọc đầy cỏ đuôi chó chạy qua cánh đồng. Họ nhận ra anh và gọi tên anh mừng vui khôn xiết. Nhưng anh chỉ mỉm cười mà không nói gì và đi về phía nhà mình. Chiều đi làm về, họ đến để chúc mừng mẹ anh vì anh đã sống sót trở về có lẽ vì báo tử nhầm. Nhưng chỉ có bà mẹ già sống trong ngôi nhà tre nứa từ ngày đứa con của mẹ ra đi. Không có một ai trở về ngôi nhà trong ngày hôm ấy. Cuối cùng họ kinh ngạc nhận ra rằng: không có một người lính nào trở về trong buổi chiều hôm ấy cả. Người lính trẻ ấy đã mất vào ngày 17 tháng 6 năm 1969.
Đó không phải là một câu chuyện hoang đường. Đó là một sự thật. Thật như một người lính trúng đạn ngã xuống dầm đìa máu và gọi một tiếng "mẹ ơi". Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang kể về con sông Thạch Hãn những năm chiến tranh. Trong đêm tối, hàng trăm người lính vượt sông trong làn mưa đạn. Nhiều người trúng đạn khi đang bơi giữa dòng. Họ chỉ kịp kêu lên một tiếng "mẹ ơi" rồi chìm xuống đáy sông vĩnh viễn. Có những đêm khốc liệt, trong đêm tối, người ta nghe cả dòng sông tối thẫm nhưng sôi sùng sục vì đạn bắn rền vang tiếng gọi "mẹ ơi" cho đến sáng.
Bây giờ, tuyến đường sắt vẫn chạy qua cánh đồng làng, những chuyến tàu vẫn ngày ngày đi qua và tiếng còi tàu dội lên lan xa mãi trên cánh đồng. Và như chẳng thể nào thay đổi, tôi vẫn thấy giữa những gương mặt hành khách là những gương mặt những người lính đã trúng đạn trên mặt trận. Gương mặt họ bay lơ lửng quanh ô cửa con tàu. Tôi biết đó là những hình ảnh ám ảnh tôi. Nhưng có lúc, tôi tin đó là sự thật mà tôi không lý giải được vì sao.
Tôi nghe có lần công an đường sắt phát hiện nhiều lần bên một ô cửa sổ con tàu có treo một chiếc áo lính thấm đầy máu. Lúc đầu họ nghĩ có một vụ án hay một vụ tai nạn nào đó. Nhưng cuối cùng họ không nhận được bất cứ thông tin về vụ tai nạn nào. Đặc biệt, cho dù những chiếc áo "vật chứng" ấy được bảo quản rất cẩn thận nhưng vẫn biến mất mà không ai biết lý do. Nhiều câu chuyện kỳ lạ trên những con tàu đã được kể lại như chuyện trong đêm khuya khi hành khách đang chập chờn giấc ngủ thì có một người lính trẻ ôm chiếc đàn mandolin ngồi lơ lửng trong toa tàu chơi đàn.
Chiến tranh đã đi rất xa, xa đến mức nhiều người lính không còn nghe thấy tiếng bom vọng trong một cơn mộng mị nào đó của mình. Nhưng hình ảnh những con tàu với những ô cửa chật những gương mặt đầy lông tơ di vào nơi máu chảy và hình ảnh mẹ tôi ngồi trên hiên nhà lo sợ những chuyến tàu sẽ mang hết những người trẻ của làng tôi đi mãi thì như vẫn còn đó. Những con tàu đó không bao giờ dừng lại. Những con tàu đi xuyên qua đời sống của những người mãi mãi nhớ về những năm tháng chiến tranh tàn khốc ấy. Chúng đi xuyên qua bữa ăn, xuyên qua giấc ngủ và xuyên qua cả chiếc giường chúng ta đang ân ái.
Mẹ tôi kể có lần người làng đã nhìn thấy một con tàu đi như trôi trên cánh đồng lúc nửa đêm. Và từ những ô cửa con tàu, những người lính trẻ như vừa rời khỏi tuổi thơ ùa ra gọi "mẹ ơi". Tiếng gọi như những ngọn gió lạ trong đêm thổi tràn qua làng cho đến tận khi trời sáng. Tất cả những câu chuyện này cho đến bây giờ tôi hoàn toàn tin là chuyện thật. Thật như bạn, như tôi cầm chiếc dao sắc xiết vào da thịt mình và thấy máu đỏ trào ra.
Phụ lục cho bài viết:
Bài thơ: Trong chiều nghĩa trang
Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi
Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng
Ai gọi đò bơ phờ bến vắng
Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương
Mẹ run run thắp những nén hương
Cắm trước từng bia mộ
Kìa khói lên...
Khói lên....
Lặng lẽ
Những con đường cát trắng của làng quê
Hồn những chàng trai giờ ở nơi đâu
Nhìn thấy khói mà trở về với mẹ
Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối
Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi
Các anh về với mẹ một đêm thôi
Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình phụt tắt
Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn
Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm
Các anh về không hóa được thành người
Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp
Hóa chú cá con dưới cầu ao đợi mẹ
Hóa thạch sùng thưa mẹ gọi trong mơ
Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh thổi từng cơn
Trăm mắt hương - trăm mắt người hoe đỏ
Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ
Cùng dâng hương lặng lẽ đứng quanh người
Nghĩa trang làng Chùa, 1985
(Rút trong tập thơ Ngôi nhà tuổi 17, Nguyễn Quang Thiều, nxb Lao Động, 1990)