Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Câu chuyện đêm Giáng Sinh

Steve Brookes

Tom yêu những câu chuyện. Ông ngồi trong chiếc ghế kể chuyện bên lò sưởi, đôi mắt xanh nhạt lấp lánh trong ánh sáng chập chờn của những ngọn nến trên các bàn chung quanh. Tiếng cười khẽ của ông phát ra từ đôi môi cũng dạn dày sương gió như những xà nhà bằng gỗ sồi cũ kỹ phía trên đầu ông.
Một cách hài lòng, ông ngồi thoải mái trong chiếc ghế gỗ sồi đã được nghe hàng ngàn câu chuyện qua hàng trăm năm trong cái quán nhỏ nằm giữa những ngọn đồi tối tăm của vùng Pennines này. Mọi người đến thăm Tom từ khắp cả nước. Bằng cách truyền miệng, họ biết về ông, và nhờ ông quán trọ đã đón được khách du lịch.

Để tìm được ông, khách phải vượt qua nhiều dặm đường hẹp ngoằn ngoèo rậm lá. Nhưng khi họ qua được đỉnh đèo để đi xuống ngôi làng nhỏ bé này, họ được đền đáp xứng đáng. Mái tranh thấp xộc xệch có vẻ như thu mình trong thung lũng. Có một vòi nước cũ gỉ sét và một bánh xe của cối xay được hoa hồng đỏ và trắng phủ kín trong mùa hè. Những xà nhà thấp đã bị mọt ăn lỗ chỗ, và quán có mùi ẩm thấp, nhưng luôn luôn có thức ăn ngon cho khách.

Trong những buổi tối mùa hè ấm áp, mùi hương của hoa vân anh trộn lẫn với mùi xạ hương đắng của những bụi cây nhỏ ẩm thấp ở những hàng rào bằng đất cao bao quanh, nhưng khi mùa đông đến, khách khứa ít hơn và dân làng sẽ kéo đến vây quanh ngọn lửa đốt bằng củi đang réo lên qua những ống khói bằng đá cho đến khi khói của nó tan loãng vào những cánh đồng hoang đằng xa – và người ta tiếp tục kể chuyện.

“Ai sẽ kể chuyện tối nay?” Tom khẽ hỏi. Những người uống ở quầy và những người ăn ở các bàn nhìn lảng đi, cố tránh đôi mắt của ông. Trong suốt lịch sử kể chuyện trong quán trọ xây bằng đá biệt lập này, luôn luôn có một người tình nguyện kể chuyện của mình.

Thi thoảng, một người bán hàng thông minh nhận lời thách thức và với điện thoại bên hông và bộ đồ nhân viên hành pháp, anh ta kể lại những cuộc phiêu lưu đầy chinh phục và những khó khăn trắc trở.

Đôi khi là một giọng nói dịu dàng của một phụ nữ địa phương kể lại những câu chuyện đồng quê và những truyền thuyết dân gian người ta thường nghe.

Một đôi lần, Tom cũng ngồi vào chỗ và tìm trong kho dự trữ kinh nghiệm mênh mông hơn 80 năm của mình và với cặp mắt lấp lánh ánh lửa, ông tạo ra những hình ảnh lạ lùng đến nỗi mọi người im phăng phắc lắng nghe và tiếng chiếc ly nhỏ nhất đặt xuốâng quầy rượu vang lên cũng giống như tiếng đại bác gầm.

Nhưng câu chuyện hay nhất luôn luôn được để dành cho đến Giáng sinh vì đây là câu chuyện đánh dấu kết thúc của một năm.

Đó là lúc cây ô rô được cắt khỏi hàng rào cao và kết thành chuỗi quanh quầy rượu với những chiếc lá xanh nhọn rực rỡ và những trái dâu đỏ. Rồi cây Giáng sinh, chặt từ hàng cây thông trên những ngọn đồi phía trước, được trân trọng đặt bên lò sưởi đang cháy và chất đầy quà để tặng cho nhau.

Đó cũng là lúc chủ đất sẽ đãi món rượu vang hâm nóng với đường và hương liệu, thức uống ưa thích nhất của khách hàng vào dịp Giáng sinh và đó chính là lúc chắc chắn Tom sẽ thách thức mọi người.

“Nào”, ông cười giòn, “các người không trốn lão già Tom này được đâu. Nếu không ai đến ngồi vào chiếc ghế này và kể cho chúng ta nghe một câu chuyện Giáng sinh, ta sẽ bảo ông chủ đất dẹp món rượu vang hâm nóng đi!”

“Bác sẽ không làm như vậy đâu”, một cô gái trong làng có gương mặt xinh xắn kêu lên. “Chính bác cũng thích mê món rượu hâm nóng mà, bác Tom!”

“A , cô gái ơi, ta thích món rượu hâm nóng nhưng ta còn thích câu chuyện Giáng sinh hơn nữa. Đó là một truyền thống bắt nguồn từ lâu đời đến mức ta không biết là khi nào - thậm chí khi những lãnh chúa và phu nhân đến để làm vinh dự cho quán này thay vì lũ dân thường các người.”

Ông gật đầu một cách hiền lành để khẳng định lại những ngày thời xa xưa tốt đẹp hơn. Mắt ông lấp lánh trong ánh lửa.

“Tôi ủng hộ Tom!” Một người nhanh miệng nói. Y phục ông ta rất sang trọng, một cái quần xanh nhạt ủi kỹ và áo sơ mi phanh ngực bày ra lông ngực nhiều hơn tóc trên đầu ông.

“Mỗi năm khi tôi từ London đến đây, tôi luôn luôn mong đợi câu chuyện Giáng sinh”.

“Vậy anh kể chuyện đi, anh bạn thân ơi!” Anh thanh niên Jim bẻ lại, quần jean của anh ta vẫn còn những vết dơ vì vắt sữa bò.

“Tôi không kể được” - nhân viên hành pháp nói. “Tôi chỉ biết những giấy đối chiếu, lợi tức, những khoản nợ bị mất và chuyện giá cả”.

“Tôi lại muốn biết về những chuyện đó!” Jim nói, gương mặt anh sáng lên vẻ hứng thú muốn trêu chọc. “Có lẽ tôi sẽ học được nhiều thứ để khỏi phải vắt sữa những con bò ngu ngốc hằng ngày”.

“Chúng ta không muốn biết những kinh nghiệm của cậu, Jim ạ”. Tom vừa nói vừa vuốt râu. “Bây giờ là mùa Giáng sinh và chúng ta cần câu chuyện Giáng sinh đặc biệt”.

Căn phòng im lặng nhưng ai cũng nghe thấy tiếng gió bên ngoài đang rít mạnh hơn. Những bàn chân nhích đi và những bờ vai chạm nhau trong khi mọi người cố chen nhau tới cuối quầy rượu để né tránh cái nhìn dò hỏi của Tom. Mắt ông lướt từ người này sang người khác. Vài người nhìn lại ông một lúc lâu trước khi nhìn xuống, bối rối. Không ai sốt sắng ngồi vào chiếc ghế kể chuyện tối nay.

Đột nhiên, cánh cửa quán kẽo kẹt mở ra và cơn gió đang xô nghiêng ngả cây cối bên ngoài ầm ĩ lao vào trong quán, làm mọi thứ trang trí lắc lư dữ dội.

Tất cả mọi cặp mắt đều hướng ra cửa.

Người phụ nữ ấy có gương mặt xanh xao gần như trắng bệch, mái tóc ngắn màu sáng và đôi mắt xanh lạnh lùng. Cô ngập ngừng đứng lại, nhìn quanh quán, ngạc nhiên khi thấy quá đông người ở nơi vắng vẻ này. Cô kéo lại chiếc áo choàng màu đen quanh vai dù nó đã được giữ chặt quanh cổ bằng một sợi dây chuyền vàng nhỏ. Bên dưới lớp áo choàng, cô mặc một áo polo màu sẫm và váy đen. Cô chậm chạp đi đến chiếc ghế duy nhất còn trống ở quầy rượu. Tom đã qua ngồi trên một khúc cây, và đang sưởi ấm bên cạnh cây Giáng sinh, vẻ mặt bình thản.

“Hình như chỉ còn một chỗ ngồi trong quán. Tôi ngồi có được không?” cô hỏi.

“Nếu cô ngồi đó” - Tom ân cần nói, “cô phải kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện và đó phải là một câu chuyện Giáng sinh”.

“Tôi sẽ làm điều đó nếu mọi người muốn như vậy”. Cô vừa nói vừa tháo áo choàng và đặt trên đầu gối như để bảo vệ mình và tạo sự dễ chịu.

Người chủ đất lách qua đám đông với một ly rượu hâm nóng và trân trọng đặt vào tay cô. “Cô sẽ cần cái này để giúp cô kể chuyện, cô bạn ạ”.

Sau khi uống một hớp dài, cô đặt ly cạnh ghế và úp hai lòng bàn tay trên tay ghế cao. Ngôi quán cũ bằng gỗ có vẻ thu nhỏ lại và thật yên lặng, mọi người chăm chú nhìn cô trong khi cô bắt đầu câu chuyện.

“Giáng sinh là dịp kể về những hy vọng và những nỗi sợ hãi. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một ngôi trường nơi tất cả trẻ em đang học tiểu học”. Cô dừng lại một chút. “Đó là mùa Giáng sinh và bọn trẻ đang tập những bài hát mừng lễ Giáng sinh. Chen lấn nhau quanh cây đàn dương cầm của cô giáo trẻ, chúng hát những bài thánh ca. Sau đó cô giáo dạy chúng những nốt nhạc trong khuông nhạc và cách cô đọc chúng. Rồi bọn trẻ áp dụng những điều đã học. Chúng họp thành nhóm nhỏ, chọn một nốt nhạc và tạo thành hình nốt đó. Chúng cười lớn và thảo luận sôi nổi. Tất cả, ngoại trừ một cô bé, nhìn lại bản nhạc và đứng sang một bên căn phòng”.

Người phụ nữ ngừng lại và nhìn lên chiếc đồng hồ phía trên quầy rượu. Cô nói: “Nhóm thứ nhất tự tạo thành một đường thẳng trên sàn nhà với một em cuộn tròn người như trái banh ở một đầu và một em khác đứng chéo tạo thành một góc nhọn ở đầu kia.”

“Chúng em là một nốt móc đơn “chúng vui vẻ reo lên”. Nốt nhạc của chúng em rất nhanh, chúng em mang đầy sự sôi động và niềm vui”. Cả lớp vỗ tay khen ngợi. Nhóm thứ hai cũng tạo thành một đường thẳng giống như vậy trên sàn nhà, nhưng lần này không có cái đuôi cong và giải thích rằng chúng là một nốt đen. Nhạc của chúng nghiêm trang, đều đặn, chậm rãi và rõ ràng. Một tràng hoan hô nhanh chóng tiếp theo. Nhóm thứ ba nằm trên sàn nhà và tạo thành một hình bầu dục lớn. “Chúng em là một nốt tròn” - chúng tự hào nói, “nốt dài nhất trong tất cả các nốt nhạc, chúng em đến vào cuối bài nhạc, lúc mọi âm thanh chấm dứt”. Mọi người vỗ tay.

Cuối cùng, còn lại một đứa bé không thuộc nhóm nào. Cô bé này không được nhiều người thích và thường nghỉ học vì bệnh. Dưới ánh mắt nhìn chăm chú và coi thường của cả lớp, em bé chậm chạp tới giữa phòng, mỗi bước đi có vẻ đau đớn và khi em ngồi xếp chân xuống sàn nhà với chiếc áo đồng phục xanh xếp cẩn thận dưới hai đầu gối nhợt nhạt, có vẻ như em thấy nhẹ nhõm vì đã làm xong việc.

“Em sẽ là một nốt nhạc chứ?” - Cô giáo trẻ hỏi. Cô biết cô bé đang bị một chứng bệnh trầm trọng.

Cô bé ngồi im lặng và hoàn toàn bất động, mắt nhìn chằm chằm xuống sàn nhà bằng gỗ của lớp. Cô giáo quay lại các em khác và hỏi chúng: “Các em nghĩ bạn Natalie là nốt nhạc gì hôm nay?” Lập tức các cậu bé và cô bé chung quanh đồng thanh la lên, mỗi em chọn một nốt nhạc khác nhau trong trí tưởng tượng của chúng để kết hợp với cô bé đang ngồi trên sàn nhà.

Cô giáo cau mày, lo lắng. Trong lý lịch của Natalie ở trường, cô biết cô bé đã bị mất cha mẹ trong một tai nạn xe đêm Giáng sinh và em bị rối loạn tinh thần. Có thể ngay lúc này em cũng đang bệnh, vì em ngồi yên lặng quá.

Cả lớp đã ngừng la hét và đang sốt ruột đợi Natalie nói. Cuối cùng, em ngước mắt lên khỏi sàn nhà.

“Em không thật sự là một nốt nhạc. Bây giờ là Giáng sinh và em là sự yên lặng khi âm nhạc kết thúc. Em là sự hạnh phúc khi mọi nỗi buồn kết thúc, hoặc là nỗi buồn khi mọi hạnh phúc kết thúc... Rốt cuộc, mọi người muốn em là điều gì em sẽ là điều đó”.

Người phụ nữ áo đen ngước mắt lên nhìn mọi người trong quán đang đứng chung quanh, mỗi người có những hy vọng và những nỗi sợ hãi của riêng mình trong mùa Giáng sinh đang đến.

“Và đó là kết thúc câu chuyện” - cô nói.

Cô đứng lên khỏi chiếc ghế kể chuyện, chậm chạp khoác áo choàng vào và đi ra cửa. Một thanh niên đứng ở cửa giơ tay ra nắm chặt chiếc áo khoác và thô bạo hỏi:

“Cô phải nói cho chúng tôi biết. Cô là cô giáo đó phải không?”. Hình như anh ta chùn tay lại khi mắt hai người gặp nhau, rồi cô nhìn mọi người trong quán với những món trang trí Giáng sinh ở chung quanh.

“Không” - cô trả lời. “Anh muốn tôi là gì?”

Cô đi khuất ra ngoài và trong quán, người ta có thể nghe được tiếng một bông tuyết đang rơi xuống...



Trần Lê Thanh Hà dịch

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Viết trên cát








HT




Tôi ngồi lặng lẽ, nhìn những lá thu vàng sậm và đỏ ối, âm thầm rơi trong không gian tinh mơ quanh khu nhà quàn. Thấp thoáng vào, ra, là những người chít khăn tang trắng, gương mặt phờ phạc, buồn rầu.
Cả một trời thu im lắng, u hoài trùm phủ quanh tôi.
Gió nhẹ.
Lá thu rơi.
Người còn
Kẻ mất
Hợp rồi tan.
Bỗng nhiên, những tiếng gào khóc bật lên từ bên trong nhà quàn, vang động, xé rách không gian đang lặng lẽ ! Tiếng khóc, tiếng kể lể, tiếng thảm thiết gọi tên người vừa chết làm xôn xao những người đang hiện diện.
Nhưng bên ngoài, gió thu vẫn thổi nhẹ, lá thu vẫn thong thả rơi, đất vẫn thầm lặng, nhẫn nhục, nhận những Đến và Đi …
Ai cũng biết thế, nhưng dường như những lá thu rơi nhẹ nhàng, thanh thản hơn con người lúc ra đi. Lá lìa cành, theo gió, bay lượn êm ả như vẫy chào cây, rồi thầm lặng nằm trên mặt đất. Đất ân cần đón lá, lá an nhiên tiếp nhận nắng mưa, và lá biết rằng, rồi lá sẽ thành đất, để đất lại nuôi cây ...

Những tiếng khóc khi người-mất-người có mang chút nào ân hận vì đã chẳng tử tế đủ, khi còn nhau hay không ?
Có lẽ nhiều ân hận, người ta mới khóc than như thế ! Nếu sống với nhau mà tử tế, mà thủy chung như cây với lá thì sự ra đi chỉ là tạm biệt, là chuyển hóa.
Tử tế với nhau thì có gì ân hận lúc chia tay theo lẽ vô thường !
Tiếng gào khóc càng lúc càng bi thương. Phải chi tôi có thể kể cho người đang khóc nghe một câu chuyện ngắn mà tôi từng được nghe từ một vị giảng-sư :

*Hai huynh đệ đồng tu, khá thân thiết, đang cùng đi trên sa mạc. Hai vị nói đủ các thứ chuyện quanh đề tài tu học, và ở một đề tài, có sự bất đồng đến mức huynh thẳng tay giáng cho đệ một bạt tai.
Đệ không nói gì, quỳ xuống trên cát, dùng ngón tay viết dòng chữ “Hôm nay bạn tôi đã tát tôi.”
Hai người tiếp tục đi, không ai nói gì với ai nữa.
Ngang qua một khu sình lầy, người em hụt chân, lún xuống bùn. Lập tức, người anh đưa tay, kéo em lên. Không một lời cám ơn, hai người tiếp tục đi, ra khỏi sa mạc, tới vùng đồi núi. Người em nhìn quanh, tiến tới một tảng đá lớn, dùng những viên sỏi nhọn, vận dụng hết sức lực để viết trên đá dòng chữ “Hôm nay bạn tôi đã cứu tôi”.
Lúc đó, người anh mới lên tiếng hỏi:
- Sao lúc huynh tát đệ, đệ viết trên cát, mà lúc cứu đệ, đệ lại viết trên đá ?
- Thưa huynh, những tàn nhẫn, đau buồn, hãy viết trên cát để cát bụi thời gian xóa nhòa đi; nhưng những tử tế, ơn nghĩa phải viết trên đá mà ghi tâm khắc cốt.
Câu chuyện chỉ có thế, nhưng nước mắt tôi đã lã chã rơi vì biết rằng, giữa cõi đời chập chùng những dối gian, bội phản, tàn nhẫn này, phải có bao nhiêu bãi cát để nhân gian viết đủ ?!

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Xả stress



Sau những ngày stress nghe lời đàn anh khuyên .thế là gác lại tất cả xách ba lô lên đường .Điểm m chọn là thị trấn SAPa . nhảy  xe ôm từ nhà ra ga HN đúng 19h40 tầu chạy .....đói kinh khủng vì từ chiều chưa kịp ăn gì thế mà phải đợi mại mới đc hộp mỳ của nhà tầu ...chưa bao giờ ăn mỳ mà thấy ngon thế...ngồi ghế mềm mà vẫn thấy khó chịu thế là sau một hồi thì thầm to nhỏ với chị soát vé m mất thêm 2t5n nữa và có được một chỗ nằm tương đối ổn .Giờ chỉ việc cắm tai phôn và ngủ........4h30 tầu đến ga Lào Cai ...xuông tầu mưa lất phất ,trời vẫn tối om  ,quyết định không đi ô tô lên SP ngay mà tìm nhà trọ ngủ tiếp 7h30 sáng mới chạy xe máy lên ...tại muốn ngắm cảnh vì nghe nói đường từ LC lên cũng rất đẹp ....mà đẹp thật mây và núi cứ quấn quện vào nhau ,tình không chịu nổi... hơi hướng của núi rừng tràn ngập không gian .Đường thì đoạn mưa đoạn nắng. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm ,bắt đầu thấy se lạnh (mà m thì thích nhất cảm giác này ) hai bên đường thỉnh thoảng có vài dòng suối nhỏ chảy ngoằn ngèo từ trên núi xuống như những sởi chỉ mỏng tang. Đưa mắt ra xa ,lác đác đã nhìn thấy những căn nhà của người dân tộc trên lưng chừng núi. M cứ thắc mắc trong đầu là ko biêt có điện đóm gì trong những căn nhà trên núi ấy ko ?Ruộng bậc thang bắt đầu hiển ra, đúng là như tranh vẽ....chạy lên thêm đoạn nữa hai bên đường đã thấy người Mông hay Dao gì đấy bán những giỏ đào và mận ,định nhẩy xuống mua ngay, nhưng nghĩ lại thôi để lúc về .......vào đến thị trấn ấn tượng đầu tiên là những giỏ hoa tươi và lá xanh ngắt, đc treo lủng lẳng hay để ở bậc trước cửa những căn nhà ...(HN có nhưng đố mà xanh tươi đc như thế ) ...nhà thờ đá hiện ra thế là m đã đặt chân đến trung taanm thị trân SP.Lang thang, ngơ ngác một hồi như trẻ con lần đầu đc đi công viên. M sà xuống những mẹt hàng thổ cẩm của người dân tộc nhìn cái gì cũng thích cũng muốn , nhưng phải kiềm lại ko đến lúc về mà cạn tiền thì gay  .Ngồi giữa thị trấn nhỏ và đẹp đến nao lòng thật ko thể tả đc cảm xúc lúc này .(tự thấy m thật thông minh khi quyết định lên SP xả stress)
 Gần trưa thì mình cũng leo lên đến Sân mây và cổng trời một,rất may hôm ấy có nắng nên từ Sân mây có thể nhìn rất rõ toàn cảnh thị trấn SP. đường xuống ghé qua khu vườn Hàm Rồng . Phải nói là hoa ở đây nhiều và đẹp, không phải những loại hoa kiêu sa nhưng những bông hoa nhỏ này lại mang một vẻ đẹp rất riêng của núi rừng ....
 Khi về đến gần khách sạn thì đã qua trưa ,ghé vào một quán nhỏ ăn bữa cơm đầu tiên của thị trấn ,chỉ có susu luộc ,cải xoong xào và cá hồi nấu năng chua , nhưng ngon vô cùng một phần do đói còn phầm còn lại (phần hơn nhé ) là do cách chế biến và đồ thì qua tươi . Chọn cho mình một khách sạn nhỏ nằm cách trung tâm khá xa phải đi bộ từ tt lên hơn 1km nhưng yên tĩnh .KS tại thị trấn này ko có điều hòa hay quạt gì hết nên ta có thể tận hưởng được hết cái lạnh tự nhiên .Phòng ở tầng hai mở cửa bancong ra là nhìn thấy núi và mây .dưới sân Ks thì rất nhiều những chậu hoa nhỏ xinh đủ loại đủ màu sắc....mới đến thị trấn vùng cao này có mấy tiếng đồng hồ mà mình gần như bỏ lại tất cả những gì  là Áp lực, chán nản, mệt mỏi, nói chung là những cảm xúc đè nén, kinh khủng của những ngày qua ....thở phào














Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Dằn vặt một mùa hoa












Thôi đừng

dằn vặt một mùa hoa
vì một lời kinh đã cũ
Phố đời bây giờ chật chội lắm
những tiếng ăn năn
Ngoài kia lá khóc than
...
bằng tiếng khóc của loài người
Để mùa thu cứ đau
đau như nhát dao cắm vào thịt da một chiều xưng tội

Thôi đừng
oán trách câu ca
bởi một nốt trầm
bâng quơ
rất nhạt
Mùa Thu chết thật rồi
góc nhớ chẳng buông nổi tiếng thở than
Đừng hát thánh ca tưởng niệm chi
cho mùa thêm tội lỗi
Cứ bỏ mặc lá khóc tiếng khóc của loài người
có khi siêu thoát một vong hồn

Thôi đừng
nhìn nhau
bằng đôi mắt  với những giọt lệ màu đen
Những ngọt lịm hôm nào
và cả những đắng ngắt hôm nay
sẽ nối gót mùa thu về miền xa thẳm
Ký ức sẽ ngủ yên
trong tiếng lá khóc ngày mùa thu khâm liệm
Biết đâu đêm cầu hồn
thu lại về
bừng cháy một môi hôn






Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

TRò chơi của cuộc sống









Lâu lắm rồi,những năm còn nhỏ.Tôi nhớ cái cảm xúc háo hức chờ ra xem đám cưới.Đám cưới ngày xưa đơn giản lắm.người ta căng một nhà bạt màu xanh ra hè phố.ngoài cửa thì dán một chữ hỉ cắt bằng giấy mầu đỏ ,ở trong có căng một tấm phông thường là trang trí
hình hai con chim bồ câu vài bông hoa ,ngày tháng và tên chú rể và cô dâu.Nhà nào có người khéo tay thì cắt lấy không thì ra hàng Mã mua về dán là xong.Hồi ấy nhà nước vẫn chưa cấm đốt pháo như bây giờ .Tôi và lũ trẻ con ở phố, cứ hễ nghe thấy tiếng pháo nổ là biết nhà có đám cưới trên phố hôm đấy,đang đón cô dâu về.thế là hò nhau chạy ùa ra ,chen lấn để xem bằng được mặt cô dâu chú rể.Rồi nếu được người nhà chú rể ra cho một nắm bánh kẹo và hạt dưa thì sướng mê tơi.Mà thời đấy, bánh kẹo của xi nghiệp Hải Hà ,Hải Châu là sang lắm rồi..

Bẵng đi rất nhiều năm.Tôi đã không còn là trẻ con .Cái cảm giác háo hức chờ xem cô dâu cũng theo năm tháng mà mất đi từ bao giờ chẳng biết nữa.Rồi hôm nay nó lại bất chợt ùa về .Nhưng đã khác xưa nhiều lắm rồi.

Số là hôm nay ở gần trường tôi có đám cưới,mà lại là đám cưới của con nhà giầu.Ngay từ khung cửa nhà cô dâu,mặt tiền khoảng 5m cao khoảng hơn 3m j đấy ,được kết toàn bộ bằng hoa Lan trắng .Mấy đứa cùng lớp tôi nói:" - Riêng tiền hoa đấy thôi chắc cũng đến 10 triệu mất" Pháo hoa của Trung quốc thì họ bắn cả thùng (vì Việt Nam đã cấm đốt pháo từ năm 94). Khi đón dâu. Họ đỗ một đãy xe, làm tắc cả khu phố vốn rộng là thế. Cô dâu chú rể và bạn bè toàn đi xe ôtô rất đẹp .Mà chỉ có hai cửa thôi, tôi không rành lắm về xe ôtô ,nên chỉ nghe mấy bạn trai nói. Một chiếc xe như thế, giá trên thị trường hiện
nay vào khoảng 300.000. USD tức là hơn 6tỷ đồng VN.Phía trước xe của cô dâu chú rể cũng kết toàn bộ bằng hoa Lan trắng. Ăn chơi đồng bộ mà. Người đến dự đám cưới thì nghe nói toàn đại gia .Bên cạnh người nào cũng có một kiều nữ chân dài sóng đôi.

Nhìn đám cưới hoành tráng ấy,vậy mà không như ngày xưa .Cái cảm giác hao hức hồi nhỏ lại chạy đâu mất, thay vào đấy là cảm giác nao nao kỳ lạ ,vì không hiểu sao tự nhiên tôi lại chợt liên tưởng đến thông tin và hình ảnh về những người dân vùng lũ miền trung, được đăng trên báo Lao Động mà tôi đọc dạo trước.Đau thương kiểu như mẹ ôm cứng con cùng chết đuối, nát lòng như vợ bơi thuyền đi cắt thuốc cho chồng ốm bị lật thuyền để lại bốn đứa con thơ. Hàng vạn ngôi nhà chìm trong biển nước. Những đứa trẻ khóc mẹ, khóc cha, những cụ già 80, 90 tuổi quần áo rách rưới, ướt sũng co ro trên nóc nhà đưa tay đón nhận những gói mì tôm cứu trợ. Những phận người chết không nơi chôn cất…Những ông lão trên 90tuổi không còn gì ngoài hai bơ gạo mốc sau trận lũ.Mấy mẹ con người Vân Kiều bên nồi cơm cứu trợ ,vừa ăn vừa rơi nước mắt vì đó là nồi cơm đầu tiên sau 60 ngày vật lộn với lũ.

Vẫn biết cuộc đời là vậy, chẳng có thể làm gì khác được.......nhưng tôi vẫn thấy cay cay trên mắt khi những hình ảnh đối lập nhau cứ hiện hữu trong tâm trí.ước gì cái đám cưới bên đường kia giảm đi một chút sang trọng và chỉ bình dị như đám cưới ngày xưa ,thì chắc chắn sự so sánh trong tôi sẽ bớt đi một phần day dứt......

DT

* ( lại gặp đám cưới nhà giầu .buồn vui lẫn cả .đúng là hòa tấu rất thú vị )