Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Hoa hồng trắng cho tháng 7

















CÕNG BẠN VỀ QUÊ
Tác giả: Lý Hoài Xuân.
Với Liệt sĩ Nguyễn Hữu Nhơn.
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số cuối tháng 5 năm 2008.


May mày vẫn còn

Không bị mối xơi

Không bị lũ cuốn trôi
như nhiều đứa khác.
Hôm chôn mày, vội vã
Đá tảng chặn nhát xẻng đào sâu
Sợ hòa bình lâu
Đồng đội ngậm ngùi,
lo lắng!

Mà hòa bình
Cũng chẳng ai tìm mày
Bao nhiêu việc
Kẻ quên
Người nhớ

Tao cứ tưởng mày đã vào Nghĩa trang
Đâu ngờ mày vẫn nằm đó!

Mẹ không còn
Cha không còn
Ở đâu cũng được
Nhưng người yêu mày 
còn cất giữ ảnh của mày.

Thôi thì cứ theo người yêu về quê
Tao bỏ mày vào ba lô
Cõng đi tàu Thống nhất

Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết
Họ ách lại giữa đường thì khổ mày ơi!






















Viếng chồng
Trần Ninh Hồ
-   Chị ơi!...
Chỉ gọi được thế thôi
Anh chiến sĩ đưa đường bỗng thấy nghẹn lời
Không làm sao anh còn nói nổi:
Chị đặt hoa nhầm rồi
Mộ anh ấy ở bên tay trái
Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại
Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi!

- Chị hiểu ý em rồi
Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ
Viếng mộ anh, có chị đến đây rồi!

Tây Trường Sơn 1972























Nhớ về đồng đội
Có bao giờ quên được đồng đội ơi!

Mộ phần các anh ở nhiều vùng đất nước

Dẫu những mộ phần chúng tôi chưa tìm được

Đất nơi nào cũng là đất quê hương.



Nhớ lúc hành quân anh nằm lại chiến trường

Vĩnh biệt anh không nén hương để thắp

Mới thấu hiểu sự tận cùng đau xót

Từng cuộc chia ly nóng bỏng căm hờn.



Thương những chàng trai chưa biết đến nụ hôn

Chữ "yêu" tôi tìm cũng vắng trong nhật ký

Chỉ ăm ắp những dòng chứa chan về mẹ

Hỏi trang nào dành trọn vẹn cho em?



Thương những chàng trai tôi chưa kịp quen

Mới đôi lời hỏi thăm miền Bắc

Đã vội hành quân cùng nhau đánh giặc

Đêm vẫn đêm trường sao phải tiễn anh đi?



Các anh mãi là những ánh sao khuê

Còn chúng tôi vẫn trong đội ngũ

Nhớ về các anh không bao giờ là đủ

Nghĩa tình này đâu biết đến phôi phai.

AChau (Theo bulletin.vnu.edu.vn)















Nghe tắc kè kêu trong thành phố
tác giả: Nguyễn Duy




Tháng Hai4

tắc kè

tắc kè

tôi giật mình

nghe
trên cành me góc đường Công Lý cũ
cái âm thanh của rừng lạc về thành phố
con tắc kè
sao mày ở đây?
sáng ra nhìn soi mói mọi cành cây
chả thấy con tắc kè đâu cả
khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá
tắc kè kêu như tiếng ai vọng về
chợt hiện về thăm thẳm núi non kia
dưới lá là hầm, là tăng, là võng
là cơn sốt rét rừng vàng bủng
là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn
những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
ngủ ôm súng suốt một thời tuổi trẻ
đêm trăn trở đố nhau
bao giờ về thành phố?
con tắc kè nghe, nhanh nhảu nói: sắp về
sắp về
sắp về…
người bạn tôi rung võng cười khoái trá
ấy là lúc những cánh rừng trút lá
mùa khô năm một ngàn chín trăm bảy tư
ăn tết rừng xong, từ giã chú tắc kè
chúng tôi xuôi, ào ào cơn lũ đổ
các binh đoàn tràn vào thành phố
đang mùa thay lá những hàng me
lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
chồi non lăn tăn nơi đầu cành run rẩy
cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay
người bạn tôi không về tới nơi này
anh gục ngã bên kia cầu Xa lộ
anh nằm lại trước cửa vào thành phố
giây phút lạnh lùng chấm dứt cuộc chiến tranh
đồng đội, bao người không về tới như anh
nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù và xa nữa
tất cả họ, suốt một thời máu lửa
đều ước ao thật giản dị:
sắp về.
qua hai mùa thay lá những hàng me
cái tết hoà bình thứ ba đã tới
chao ôi nhớ tết rừng không hương khói
đốt nhang lên
chợt hiện tiếng tắc kè
tôi giật mình
nghe
có ai nói ở cành me
sắp về…
TP.Hồ Chí Minh, Tết Mậu Ngọ,

Về đi anh

Thắng đen ơi ! Trinh sát mãi mà chi. Về đi!

Thắng Đen ơi ! mẹ đã thấy anh rồi

Anh hãy về đi! Đừng trinh sát nữa

Chặng đường  xưa anh mới đi một nửa

Đích cuối cùng bao đồng đội thay anh

Ở lại chiến trường, hơn ba mươi năm

Anh vẫn miệt mài, thời gian trẻ mãi

Mẹ vẫn từng ngày ngóng anh trở lại

Về đi anh! Về với mẹ đi anh.

Mẹ lưng còng tuổi ngoại tám mươi

Vẫn đau đáu chờ anh dù biết là vô vọng

Mẹ vẫn gọi anh như hồi đi học

Thắng Đen ơi! Sao mãi không về ?

Về đi anh! Thôi hãy về đi.

Mẹ đã biết anh không về được nữa

Mẹ đã đến tìm anh giữa cao nguyên đất đỏ

Máu xương anh, nhuộm đỏ nơi này

Nước mắt nhạt nhòa, run rẩy bàn tay

Gói nắm đất nơi anh ngã xuống

Nâng niu như bế con thời bú mớm

Mẹ đưa anh về - Nơi anh sinh ra

Về đi anh! Đất đã nở hoa

Cuộc sống hôm nay có anh trong đó

Vẫn là anh – Mãi thời trai trẻ

Về đi anh, về cho mẹ yên lòng

Thắp một nén nhang, nhớ về anh Làm dịu lại nỗi đau – Lòng mẹ

Về đi anh, nhớ về anh nhé

Thắng đen ơi! Chinh chiến đã qua rồi
Hoàng Liêm
Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc
-Vương Trọng-


- Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi

 Còn hương nữa dành phần cho đất

 Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi

 Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc

 Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp

 Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.




- Kìa, cỏ may khâu nặng ống quần

 Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ

 Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá

 Thương các Chị phải không? Thì hãy quay về

 Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
 Các Chị nằm còn khát bóng cây che.


- Hai mươi tám năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào

 Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc

 Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc

 Về bón chăm cho lúa được mùa hơn

 Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo

 Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.




- Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều

 Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu

 Ngày bom vùi tóc tai bết đất

 Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được

 Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang

 Cho mọc dậy vài cây bồ kết
 Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
(1995)












Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Tuổi hai mươi ngày ấy









 


Những ngôi nhà giống hệt nhau trải dài, đều đặn .Tôi hỏi thăm vào nhà anh . Nhà anh cũng vậy, chỉ khác phía trước sân có trồng hai cây Bạch Đàn...

Mưa lất phất .Mầu trời xam xám, rầu rĩ.Những bãi cỏ xung quanh bắt đầu ngậm nước.Hai cây Bạch Đàn im lìm rũ tóc. Mưa như bụi  như sương phủ lên những ngôi nhà một màu bàng bạc, day dứt. Thời gian như ngừng lại nơi đây...Thỉnh thoảng có bước chân ai đó lạo xạo chen giữa những âm thanh lanh lảnh của gió. Phảng phất mùi hương trầm....

Tôi ngồi xuống thềm nhà anh. Người anh vừa thân quen, vừa xa lạ.
Lác đác vài đám rêu trễ nải trên tường nhà, những bậc thềm bằng xi măng nhẵn thín vì được thời gian bào mòn.

Anh im lặng , nụ cười nhẹ như tan trong khói hương . Ánh mắt như đám sương mờ vẫn luôn dõi về nơi vô định . ....

Trong cái chốn vô định ấy, là xưởng dệt nhỏ của cha anh? Là dáng mẹ anh buồn và đẫm nước bên những gánh cỏ mới cắt ? Là những người anh, người em trong gia đình 14 người con ấy ? Là những năm học phổ thong luôn đứng đầu lớp, những lần đi bộ 4 cây số đến trường, hay đạp xe mấy chục cây lên thư viện Hà Nội? Là hình ảnh cô người yêu tên P mà anh không bao giờ dám ngỏ lời? Là khi chờ gọi nhập ngũ, đã thi đỗ vào Khoa Toán - Cơ của trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội , rồi bỏ đó vào chiến trường ngày ấy...

Tôi đặt nhẹ bó hoa hồng trắng và quyển nhật kí của anh lên thềm nhà. Quyển nhật ký  nằm lặng lẽ, nhưng tôi biết trong lòng nó chất chứa niềm hi vọng, nỗi buồn và cả tình yêu....?


Gió bắt đầu lật giở từng trang ...

Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá”
........................................................................................................................
"Cuộc đời bộ đội đâu dễ dàng như thế. Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên Trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! "
Hơn cả khi trên tay phập phồng tờ quyết định. Vui sướng, tự hào, cảm động làm sao khi trên người ta là bộ quân phục xanh màu lá. Anh sinh viên quen màu trắng áo của cánh cò, quen màu xanh da trời tháng nắng... Mình trút bỏ không thương tiếc, và trìu mến khoác lên mình màu xanh ấy. Màu xanh của núi đồi và thảo nguyên, của ước mơ và hi vọng. Màu xanh bất diệt của sự sống. ……………….”

"Trên mũ là ngôi sao. Ta lặng ngắm ngôi sao, như hồi nào ta chỉ cho bạn: Kia là sao Hôm yêu dấu… Nhưng khác hơn một chút. Bây giờ, ta đọc trong ngôi sao ấy, ánh lửa cầu vòng của trận công đồn, màu đỏ của lửa, của máu…
Ta thấy trong màu kỳ diệu ấy, có cả hồng cầu của trái tim ta….”

“Vừa ao ước thế, vừa buồn vì mình đang ngồi ở đây, dưới trời mưa thanh thản, rồi sắp lên tàu đến Mỏ Trạng, Yên Thế diễn tập. Nhưng ra ga, thì lính ồ lên phấn khởi, đầu tàu hướng về phía Hà Nội – “Đi” rồi! Thế là nhất định vào trong ấy. Vội vàng viết thư – Tàu qua Cửa Nam những cánh thư trắng bay ào ạt xuống đường - Gửi hộ nhé, gửi hộ nhé – Báo cho những người than của chúng tôi rằng chúng tôi đã xa Hà Nội, lúc ấy là 12 giờ trưa 9.4.1972”

“Chân bước trên rơm thơm, khó ai định liệu được mình còn ao ước cuộc sống nào hơn thế nữa. Mặc dù hạnh phúc ấy mỏng manh như chính số người nhận ra cảm xúc ấy là hạnh phúc của cuộc đời…”.

“Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó còn trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn
thuần qua những áng văn và những bài thơ và bài toán.
30-4-1975, T. sẽ trả lời cho P. câu: Hạnh phúc là gì?”
“Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi phải mất nghị lực luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng”

“Mùa đông chưa về đến đây. Mình yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xang trong lòng nhiều kỷ niệm. Cây sầu đông chưa nở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên tà áo
xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ vể cái ngõ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không? Mấy cây hồng bì, cây nhãn bên sân hàng xóm có còn hay không, ngày trước, đấy là nơi tụi trẻ bán hàng và đám cưới; cái dù vàng che cô dâu, chú rể, giờ tơi tả khắp bốn phương.

Kỷ niệm càng dâng lên và trào ra như nướcm mắt. Sáng lạnh nhiều sương, gió táp, cây trên đồi chắc là buốt lắm, nằm nghĩ về những người thân yêu mà se thắt trái tim”.

................................................................................................................................
..................................................................................................................


"Và bây giờ, tạm biệt cuốn Nhật ký đầu tiên của đời lính. Không kịp xem lại một lần. Không kịp chữa những âm bằng âm trắc trong cấu trúc một câu văn vội vàng và bụi bặm...

Ngày mai, ngày kia... Phải để lại tất cả ở đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những dòng suy nghĩ này. Trừ khi tôi không còn sống mà gìn giữ nữa...

...Kẻ thù không cho tôi ở lại. Phải đi. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại, ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này."

...................................................................................................................................................
Mưa nặng hạt dần.Quyển nhật kí bắt đầu ngấm nước ,từng con chữ nhòe đi... Những bông hồng run rẩy nhưng mưa sẽ chẳng làm gì được chúng. Chúng mang một thứ màu không bao giờ phai ....

Rất nhiều năm sau khi anh đi . Đài, báo và nhiều phương tiện đã đưa tin về quyển nhật kí, về những gì của anh ...... Nhưng ồn ào đấy rồi lại lặng xuống đấy . Người yêu tên P của anh cũng đã trở lại nơi vốn thuộc về chị . Tất cả trả lại cho anh những khoảng lặng bình yên vốn có ............
Ai đó đã nói. Niềm tin, tình yêu....đã một lần ghé đến sẽ ở lại mãi mãi ... Anh cũng vậy phải không anh?

Gió ngàn năm không già, màu nắng ngàn năm không phai .....

Ở lại tuổi 20 thật bình yên anh nhé.



DT

* đọc xong Mãi mãi tuổi hai mươi và đi thăm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc từ rất lâu rôi nhưng hôm nay mình mới viết những dòng này xin gửi tới anh và những liệt sĩ như một lời tri ân